Tại Việt Nam có hàng trăm thương hiệu bàn phím cơ khác nhau từ giá rẻ đến đắt tiền, từ không đèn nền đến LED RGB, từ sản phẩm bình dân đến thủ công mĩ nghệ. Thị trường có quá nhiều sự lựa chọn vậy mình nên chọn bàn phím cơ nào? Nhu cầu của mình như thế nào? OK, vào vấn đề nhé!
Switch - Linh hồn của bàn phím cơ
Nói về switch chúng ta có rất nhiều thương hiệu khác nhau. Từ tiêu chuẩn công nghiệp của switch bàn phím cơ hiện đại như Cherry MX sản xuất tại Đức hay những loại switch clone Cherry MX giá cả phải chăng hơn như Kailh (Kaihua), Gateron, TTC,... hay loại "switch nhà trồng" nghe rất bình dân nhưng giá lại há hốc mồm như Topre được sử dụng trên Realforce, Happy Hacking Keyboard (HHKB) - thương hiệu của tập đoàn Topre Nhật Bản. Tất cả chúng đều có một tên gọi chung là switch - công tắc với nhóm Cherry MX, Kailh, Gateron,... là nhóm công tắc cơ học (Mechanical Switch) và Topre là nhóm công tắc cảm ứng điện dung (Electrostatic Capacity Switch).
Vậy chọn switch nào là hợp lý?
Có rất nhiều loại switch khác nhau cho các bàn phím cơ khác nhau. Một số hãng dùng hàng nhà trồng là Realforce với switch Topre, Razer với switch cơ học Razer, switch quang học Razer, Steelseries với switch Steelseris QX2,... vậy nên sẽ có rất nhiều lại switch khác nhau mà mình không thể giải thích hết cho các bạn vì rất dài và rối. Vậy nên mình sẽ tóm gọn lại các lại switch trong một số tính chất sau nhé:
- Clicky và không clicky.
- Tactile và linear.
- Hành trình tiêu chuẩn và Low-profile.
- Soft-Tactile: khái niệm khá lạ mà chỉ switch Topre có mà thôi.
Trên đây là một số tính chất chính để mình có thể dễ dàng giúp các bạn chọn ra loại switch phù hợp. Nếu các bạn thích tìm hiểu sâu hơn thì có thể tham khảo qua bài viết này của mình nhé!
OK vào vấn đề tiếp, để chọn một loại switch ưng ý với mình cách tốt nhất là... đến cửa hàng để trải nghiệm. Nghe vô lý nhưng lại rất thuyết phục là vì mỗi người mỗi ý và mỗi người có đôi tay không ai giống ai. Có thể bạn thích nhấn phím 45g nhưng bạn đi cùng của bạn lại thích nhấn phím 60g nên chẳng có một cái tiêu chuẩn nào để chọn switch cho thật phù hợp cả. Tuy nhiên mình có một số mẹo nhỏ giúp bạn khoanh vùng một số loại switch ưng ý để bạn dễ dàng chọn hơn.
Hướng dẫn này sẽ đưa ra 3 nhóm switch dựa trên thang đo âm thanh phát ra và thang đo về mức độ đã tay khi gõ phím của bạn.
NHÓM SWITCH TACTILE VÀ CÓ CLICKY
Đây là nhóm switch phát ra tiếng click mỗi khi bạn nhấn phím. Tiếng click này báo hiệu phím đã nhận tín hiệu,
Đây là switch cho phản hồi về tay tốt nhất khi tactile bump lớn, tạo phản hồi lên cả tay và tai. Và đây cũng có thể xem là loại switch cho cảm giác cơ và hoài cổ nhất trong nhóm switch Tactile.
Tuy nhiên đánh đổi là những tiếng click khó chịu mà những người xung quanh của bạn phải "trải nghiệm" mỗi khi bạn tận hưởng chiếc bàn phím cơ của mình.
Nhóm switch này phù hợp với gõ văn bản thuần túy hơn là chơi game. Đại diện gồm:
- Cherry MX Blue.
- Kailh Blue.
- Razer Green.
- Razer Opto-Mechanical Clicky switch (Razer Purple).
- Logitech GX Blue.
NHÓM SWITCH TACTILE VÀ NON-CLICKY
Đây là nhóm switch trung tính, không quá sướng khi gõ như nhóm clicky và không được êm như nhóm linear khi bạn cần phải vượt qua một cái bump nho nhỏ phản hồi lên tay mình.
Nhóm switch này phù hợp cả chơi game lẫn gõ văn bản, đại diện tiêu biểu gồm có:
- Cherry MX Brown.
- Kailh Brown.
- Razer Orange.
- Logitech Romer-G Tactile.
- Logitech GX Brown.
NHÓM SWITCH LINEAR
Đây là nhóm switch thiên về cảm giác gõ floating, ít cảm giác cơ, ít cảm giác tay nhất và cũng ít cảm giác ồn ào nhất. Từ linear trong tiếng Anh có nghĩa là chuyển động tịnh tiến - chuyển động lên và xuống mà không hề có vật cản như bump trên nhóm switch Tactile.
Nhờ cơ chế chuyển động tịnh tiến, bạn hoàn toàn có thể chủ động giảm tiếng ồn bằng cách gõ lướt không chạm đáy. Tuy nhiên đánh đổi ở đây là cảm giác gõ sướng tay và sướng tai so với nhóm switch clicky nhưng bù lại bạn có thể spam phím, gõ phím với tốc độ cao hơn.
Đây là nhóm switch phù hợp chơi game hơn tất cả loại switch kể trên và cũng phù hợp gõ văn bản nữa:
- Cherry MX Red (lực nhấn 45g).
- Cherry MX Black (lực nhấn 60g).
- Cherry MX Speed (Silver, lực nhấn 45g hành trình ngắn).
- Kailh Red (lực nhấn 45g).
- Kailh Black (lực nhấn 60g).
- Razer Yellow.
- Razer Opto-Mechanical Linear.
- Steelseries QX2 Red.
- Logitech Romer-G Linear.
- Logitech GX Red.
NHÓM SWITCH SILENT
Từ Silent trong tiếng Anh có nghĩa là yên tĩnh và nhóm switch này có tính chất đúng như Silent.
Thường đây là nhóm switch linear (Red và black switch) nhưng được thêm vào một damper (đệm) giúp giảm âm thanh khi switch chạm đáy phát ra. Hoặc với switch Topre, loại này êm hoàn toàn chủ yếu do cấu tạo đặc biệt với các màng cao su thay thế cho lò xo và chạm đáy là tiếp xúc giữa cao su và mạch PCB thay cho nhựa và nhựa nên ít âm thanh hơn. Thậm chí switch Topre khi tối ưu chân keycap kèm một số giảm chấn nhỏ nữa làm cho bàn phím sử dụng switch này không phát ra âm thanh luôn.
Nếu bạn có nhu cầu đặc biệt về hạn chế tiếng ồn hoặc bạn thường xuyên làm việc trong một phòng chung, bạn chắc chắn không muốn làm phiền người xung quanh khi cày đêm nên đây là nhóm switch thích hợp nhất cho bạn. Đặc biệt là khi nhà bạn có con nhỏ.
Một số đại diện tiêu biểu bạn có thể tham khảo là:
- Cherry MX Silent Red (Pink switch, 45g).
- Topre Silent 55g.
- Topre Silent Variable (bao gồm lực nhấn 30g, 45g, 55g được bố trí theo tùy khu vực trên bàn phím).
NHÓM SWITCH LOW-PROFILE
Đây là nhóm switch đặc biệt mới đến từ Cherry MX. Nhóm switch này ngoài low profile còn giúp cho bàn phím cơ mỏng hơn, gọn gàng hơn và lịch sự hơn so với các bàn phím cơ truyền thống.
Không chỉ rút gọn về chiều cao, các switch Low profile còn nhạy hơn nhờ cho switch nhận lệnh sớm hơn cũng như hành trình phím được rút ngắn từ 4mm xuống 3.2mm cho độ phản hồi cũng như tốc độ gõ phím nhanh hơn.
Nếu bạn là một nhân viên văn phòng, một coder và một gamer, loại switch này rất hợp với bạn bởi tốc độ phản hồi nhanh cũng như cho phép chiếc bàn phím cơ của bạn nhìn rất sexy và gọn gàng, gần như đồng nghiệp của bạn nhìn sơ qua không hề biết bàn phím của bạn đang gõ là bàn phím cơ đâu.
Đây là nhóm switch có thể nói là phù hợp với tất cả mọi người, là một loại switch cực kì phù hợp với beginner. Hiện tại chỉ mới có Cherry MX ứng dụng loại switch này rộng rãi nên mình chỉ có một cái tên ở danh sách dưới đây thôi:
- Cherry MX Low profile Red.
- Topre Short-Throw (loại này rất khó tìm).
NHÓM SWITCH TOPRE
Đây là nhóm switch độc đáo nhất, lạ nhất khi chúng không hẳn là switch cơ học cũng như không hẳn là một loại phím cao su thông thường. Về cảm giác nhấn thì Topre khá giống bàn phím cao su nhưng nhẹ nhàng hơn với cảm giác Soft-Tactile lạ lẫm khi nhấn xuống mượt mà và thả tay ra phím nảy lên rất nhanh và dứt khoát.
Đây cũng là nhóm switch có cấu tạo phức tạp nhất nên mình sẽ để link tìm hiểu về switch Topre ở dưới nhé. Nói so một chúng đây là loại switch contactless nghĩa là không có tiếp điểm. Tín hiệu được nhận hoàn toàn do thay đổi điện dung giữa các điện cực của switch và việc xử lý tín hiệu của controller trên mạch.
Đây là loại switch có độ chính xác rất cao và đi kèm với đó mức giá cũng hết hồn. Bạn có thể tham khảo một số lực nhấn mà loại switch có dưới đây:
- Topre 55g.
- Topre 45g.
- Topre 30g.
- Topre Variable (bố trí lực nhấn 30g, 45g, 55g tùy theo khu vực phím).
OK đã chọn switch xong. Đến phần tiếp theo nào!
Một bàn phím cơ Fullsize, Tenkeyless hay Mini?
Layout bàn phím thì có 2 dạng cơ bản nhất là Fullsize và Tenkeyless (TKL) và tùy theo nhu cầu mà bạn chọn một kích thước phù hợp nhất cho bản thân mình. Còn layout mini thì hơi lạ một chút vì đây là layout duy nhất không có một quy chuẩn nào và thường bạn sẽ chọn dựa trên tính hữu dụng hoặc thói quen sử dụng của bạn với một số layout tối ưu cho gõ phím và một số thì chơi game. Trước tiên chúng ta tìm hiểu và vì sao nên chọn một chiếc bàn phím cơ Fullsize hay TKL nhé!
LAYOUT FULLSIZE
Đây là layout cơ bản nhất, to nhất và đầy đủ chức năng nhất với tiêu chuẩn một chiếc bàn phím cơ Fullsize. Nếu bạn đã quen với sự đầy đủ tiện nghi thì đây là một layout phù hợp với bạn.
Nếu bạn là một nhân viên văn phòng, tài chính, kế toán hay là một người quen sử dụng một chiếc bàn phím đầy đủ thì layout Fullsize sẽ dành cho bạn. Việc thao tác với các con số cũng như các phép tính với cụm numpad nhanh chóng và chính xác hơn so với hàng phím số nằm ngang ở cụm phím chính.
Điểm trừ duy nhất của kích thước này có lẽ là sự cồng kềnh. Một chiếc bàn phím cơ Fullsize thường có cân nặng dao động từ 1 kg đến 1.2 kg vì thế việc cho vào ba lô và mang đi mỗi ngày có thể là một cực hình.
LAYOUT TKL
Đây là layout được rút gọn từ layout Fullsize thường có tỉ lệ khoảng 80% so với Fullsize. Layout này có số lượng phím từ 87 đến 91 phím tùy theo khu vực và thị trường. Nếu bạn không cần một cụm numpad hoặc thích sử dụng một chiếc tenkeypad rời thì đây là lựa chọn dành cho bạn.
Bạn là một lập trình viên, một nhà văn, một nhà báo hay là một tester, một gamer, tất cả những gì bạn cần chỉ là cụm phím chính, hàng phím chức năng F và các nút hỗ trợ soạn văn bản ở vị trí tách biệt dễ sử dụng. Nhờ lượt bỏ đi cụm phím số, không gian bên tay phải sẽ được giải phóng một khoảng kha khá để dành cho việc di chuột với các game thủ hoặc tiết kiệm không gian bàn làm việc chật chội của bạn.
Điểm trừ của layout này ngược lại so với Fullsize đó là không có cụm phím số để bạn có thể nhập liệu các con số, phép tính một cách nhanh chóng và chính xác. Nhưng bù lại nhờ kích thước được giảm thiểu thì cân nặng cũng giảm đi và giúp bàn phím cơ của bạn cơ động hơn, dễ dàng di chuyển khắp nơi hơn. Và khắc phục điểm yếu của layout TKL rất đơn giản, bạn chỉ cần mua thêm một cụm tenkeypad rời là xong.
Sau khi đã tìm hiểu xong kích thước Fullsize và TKL chắc chẳn bạn cũng mường tượng được sự lựa chọn cho mình đúng không? Cơ mà vẫn còn một kích thước nữa cho bạn khám phá đó là Mini hay còn được gọi với cái tên khác là 60%.
LAYOUT MINI
Thật sự không có một kích thước chuẩn, số lượng phím chuẩn hay bố trí phím chuẩn cho kích thước này. Bạn hoàn toàn có thể tìm được một chiếc bàn phím cơ bé tí với rất nhiều nút bị cắt giảm hoặc một chiếc bàn phím cơ khác tuy cũng bị cắt giảm số lượng phím nhưng được bù lại bởi các tính năng vẫn đảm bảo đầy đủ.
Đến với kích thước layout này thật sự khó. Bạn là một nhà văn, một nhà báo, một lập trình viên hay một người sử dụng bàn phím cơ với một chiếc laptop và cần độ cơ động cực cao, đây chính xác là kích thước dành cho bạn "nếu quen tay". Việc lượt bỏ hoàn toàn cụm phím hỗ trợ và phím mũi tên cũng như các phím chức năng hàng F cho phép kích thước tổng thể của chiếc bàn phím cơ loại này nhỏ và nhẹ hơn nhằm đề cao tính cơ động và cảm giác gõ rất thú vị "nếu quen tay". Bạn là một nhân viên tài chính, một kế toán thì xin chia buồn, đây chắc chắn không phải layout cho bạn vì cụm numpad quen thuộc của bạn không có đâu. Còn với các bạn game thủ cũng 50-50. Bạn chỉ chơi ở nhà hoặc chơi game thư giãn, kích thước nhỏ hơn dĩ nhiên giúp bạn có nhiều không gian hơn cho chuột nhưng một số game yêu cầu cụm phím hàng F sẽ làm khó bạn.
Điểm trừ của layout này là gì? Rất nhiều. Đầu tiên bạn không thể sử dụng ngay mà cần thời gian làm quen thường là vài ngày. Sau đó bạn phải học cách làm quen lại với cụm phím số và cụm phím hỗ trợ soạn thảo văn bản như Home, End, Insert, Delete khi chúng đã được tích hợp vào các phím chính. Nghe có vẻ hơi khó nhưng khi quen tay rồi bạn không thể trải nghiệm được các bàn phím cơ TKL hay Fullsize sướng như trước đây nữa đây bởi vì khi đó bạn đã nhận ra đây là layout tối ưu nhất cho bạn. Cũng nhờ việc cắt giảm nhiều phím và kích thước, độ cơ động cao hơn và trọng lượng nhẹ hơn giúp bạn có thể mang bàn phím đi bất cứ đâu để sử dụng.
Đèn LED nền
=
Đây là một chủ đề với 2 thái cực hoàn toàn độc lập với nhau mà tới mình cũng khó mà biết bên nào đúng, bên nào sai vì ai cũng có cái lý của mình cả. Thôi thì cùng mình phân tích hai trường phái có LED và không LED xem loại nào phù hợp nhu cầu của bạn nhé!
CÓ LED NỀN
Bạn thường xuyên sử dụng bàn phím ở những khu vực không đủ ánh sáng hoặc bạn thích sự màu mè, đặc sắc mà những hiệu ứng LED mang đến thì đây là lựa chọn của bạn.
Việc tích hợp đèn nền LED dạo gần đây là một trào lưu khi mà những bóng đèn 16.8 triệu màu này thể hiện được cá tính của bạn cũng như định vị những nút mà bạn cần sử dụng khi chơi game. Chỉ cần một cú liếc mắt là bạn có thể định vị được chúng ngay.
Nhưng vấn đề nào cũng có hai thái cực. Vậy vấn đền tiêu cực của có LED nền là gì? Đó là sự khó chịu khi bạn không thể tập trung được vào màn hình làm việc khi các hiệu ứng LED cứ nhấp nháy và chuyển đổi liên tục. Ngoài ra các bóng LED tự bản thân khi hoạt động đều sinh nhiệt nên tỉ lệ hỏng LED, chết LED luôn là có nên bạn cần cân nhắc về vấn đề này.
KHÔNG LED NỀN
Tôn chỉ của trường phái này là đơn giản, cổ điển và tối ưu hóa hiệu năng mà một chiếc bàn phím cơ phải đạt được. Những chiếc bàn phím cơ loại này ít màu mè, dáng nhìn cổ điển hơn và tất nhiên là ít đau mắt hơn.
Thường thì những dòng sản phẩm này được tập trung cho hiệu năng và độ bền đơn thuần nên việc loại bỏ các linh kiện không liên quan đến cảm giác gõ và hoạt động của bàn phím cơ là một điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên không phải không có đèn LED là đơn điệu vì có rất nhiều hãng tuy không có đèn LED nhưng thiết kế vẫn vô cùng bắt mắt và dễ dàng thể hiện được cá tính riêng của bạn.
Và cũng như đối trọng trên, không có LED nền làm bạn hơi khó khăn khi xác định các phím khi gõ trong các môi trường tối nhưng bù lại giúp bạn nhớ vị trí các phím nhanh hơn để gõ phím nhanh hơn. Ngoài ra bạn cũng dễ dàng tập trung hơn vì không còn đèn LED và các hiệu ứng LED làm phân tâm nữa.
Kết nối: Bluetooth, Wireless 2.4GHz hay có dây?
Kết nối cũng là một phần bạn nên quan tâm vì đây ảnh hưởng trực tiếp đến độ cơ động của bàn phím cơ và độ ổn định trong kết nối nối giữa chiếc bàn phím của bạn đến với máy tính. Cùng tìm hiểu để chọn ra kết nối phù hợp với mình nhé.
KẾT NỐI DÂY CÁP USB
Đây là kết nối ổn định nhất, độ trễ thấp nhất và tỉ lệ bị nhiễu ít nhất. Nếu bạn chỉ sử dụng bàn phím ở một chỗ hoặc bạn là một game thủ thì đây là kết nối bạn nên chọn nhất.
Nhược điểm duy nhất của kết nối cáp USB có lẽ là độ cơ động cũng như tiện dụng bởi bạn cần phải lọ mọ cắm chiếc bàn phím của mình vào cổng USB trên máy tính cũng như lo lắng dây cáp có thể bị đứt do bất cẩn hoặc gập dây quá gấp trong thời gian dài.
KẾT NỐI BLUETOOTH
Xét về độ ổn định thì kết nối này phụ thuộc nhiều vào tối ưu phần cứng đến từ nhà sản xuất vì hoàn toàn không có một sợi dây cáp vật lý nào liên kết bàn phím đến máy tính của bạn. Nếu bạn là một người dùng văn phòng chỉ gõ phím, cần di chuyển nhiều và sử dụng với nhiều thiết bị thì Bluetooth là một lựa chọn hợp lý. Bạn là game thủ? Thường các hệ điều hành không hỗ trợ các thiết bị Bluetooth đạt Polling Rate 1000Hz (1ms) và chúng chỉ có thể đạt tối đa 125Hz (8ms) nên chơi game cũng được thôi chứ chưa hẳn tốt nhất.
Nhược điểm của kết nối Bluetooth mình đã đề cập phần này ở trên rồi vậy để mình bù thêm ưu điểm nhé. Ưu điểm thì trước mắt là cơ động, dễ dàng kết nối với các máy tính khác nhau đặc biệt không cần một USB dongle riêng để kết nối. Và nhất là kết nối này không có cáp nên không sợ đứt dây.
KẾT NỐI WIRELESS 2.4GHZ
Đặc điểm đặc trưng dễ nhận biết nhất ở kết nối này đó là luôn cần một chiếc USB Dongle để kết nối đến máy tính của bạn. Và nếu mất thì cách duy nhất để bạn sử dụng là cắm dây cáp vào như một bàn phím có dây,
Đều là không dây nhưng so với Bluetooth thì Wireless mạnh mẽ hơn khi hỗ trợ Polling Rate 1000Hz (1ms) nên các bạn game thủ có thể try hard trên một chiếc bàn phím cơ không dây hoàn toàn bình thường. Ngoài ra do sử dụng cổng USB để gửi tín hiệu nên máy tính sẽ mặc định nhận đây là một chiếc bàn phím thông thường kể cả khi không ở trong Windows.
Bù lại nhược điểm lớn nhất của dòng này chính là cái Dongle trời đánh bởi chỉ cần bạn mất hay để quên là cái bàn phím của bạn trở thành bàn phím cơ có dây luôn. Và chính vì dùng Dongle riêng nên mỗi khi đổi máy bạn cũng phải lọ mọ tìm và cắm cái Dongle phiền phức vào cổng USB như kết nối có dây vậy.
Một số tính năng khác
Ở một số mẫu bàn phím cơ, ngoài những tính năng kể trên bạn còn có một số tính năng vui vẻ khác như Macro, cụm phím Multimedia hay khả năng thay keycap. Thường thì nhóm tính năng này thuộc nhóm mang tính vui vẻ vì đa phần các tính năng này có người thấy thiếu thì lại nhớ mà không có cũng không sao nên mình sẽ điểm nhanh qua nhé.
MACRO
Đây là tính năng bạn chỉ dùng khi cần một chuột các hành động được thực hiện với một thứ tự chính xác hoặc sử dụng để lặp đi lặp lại một hành động nào đó. Thật sự khi gõ phím đơn thuần, bạn không cần đến tính năng này và chỉ khi chơi game nó mới có cũng được mà không có cũng không sao.
Thường các bàn phím dòng Gaming sẽ hỗ trợ tính năng này. Tuy nhiên các bạn nên nhớ Esport chuyên nghiệp cấm sử dụng Macro nên bạn cũng cần lưu ý nhé!
CÁC PHÍM MULTIMEDIA
Khi làm việc hoặc chơi game, các phím Multimedia giúp bạn điều chỉnh nhanh âm lượng hoặc bài hát mà không cần lọ mọ tìm trình phát nhạc hoặc mục chỉnh âm lượng trên Windows. Đây cũng là một tính năng có cũng được mà không có cũng không sao nên bạn hãy cứ thoải mái nghĩ mình cần nó hay không nhé.
KHẢ NĂNG TƯƠNG THÍCH KEYCAP CHUẨN CHERRY
Nhắc đến đây thì người đầu tiên buồn là các anh dùng switch Topre (trừ Realforce RGB) bởi họ dùng một chuẩn chân riêng. Còn switch Cherry và clone Cherry thì dùng thoải mái bởi chân dấu + đặc trưng gắn đâu cũng được.
Nhưng để chơi nguyên set thì phải xem đến layout nữa. Thường những anh dị dạng như Corsair, Razer, Asus hàng dưới cùng rất khó kiếm keycap. Và các mẫu bàn phím kích thước mini cũng khó săn keycap hơn khi bạn cần một số kit đặc biệt. Còn các hãng chuyên về bàn phím cơ văn phòng thì thoải mái bởi layout của họ luôn là chuẩn mực nên trọn bộ keycap thay thế rất dễ tìm.
Nên mua bàn phím cơ thương hiệu nào?
Tại thị trường Việt Nam những năm 2012 - 2013, bàn phím cơ chưa phổ biến nên hầu như bạn không có nhiều thương hiệu để lựa chọn nhưng đến hiện tại lại rất khác. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều hãng bàn phím cơ từ văn phòng cho đến gaming và giữa một rừng phím cơ đó, bạn nên chọn thương hiệu nào?
Để chọn một thương hiệu bàn phím cơ tốt, bạn cần quan tâm độ bền cũng như chính sách bảo hành mà các hãng này mang đến cùng với cảm giác gõ. Bởi vì đây là thứ bạn tiếp xúc hàng ngày cũng như là thiết bị chính để làm việc, chơi game nên ngoài bền, dùng tốt thì khâu bảo hành tốt cũng cần quan tâm vì đây không phải là món hàng giá trị nhỏ.
FILCO
Đơn giản, thực dụng, chắc chắn - Đó là những gì người dùng bàn phím cơ trong nước cũng như nước ngoài nói về Filco, một thương hiệu đến từ Nhật Bản. Đây là một thương hiệu bàn phím cơ khá đặc biệt tại Việt Nam khi có chính sách bảo hành 5 năm đổi mới cho người tiêu dùng.
Các bàn phím cơ Filco nổi bật bởi khả năng kết nối Bluetooth và sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị, cực kì thuận tiện khi cần sử dụng nhiều thiết bị cùng một lúc.
Bàn phím cơ Filco cũng cực kì phù hợp để chơi game. Như đã đề cập ở trên, bàn phím cơ Filco bền bỉ và có độ tin cậy cao cũng như bo mạch được tối ưu giúp giảm độ trễ tín hiệu ở mức tối đa giúp các game thủ dễ dàng thể hiện kỹ năng của mình ở những trận đấu thể thao điện tử đỉnh cao.
Nhờ chính sách bảo hành 5 năm đổi mới tại Việt Nam, các game thủ lại càng có lý do để đặt trọn niềm tin vào sự bền bỉ mà Filco mang đến.
Trên hình là Tian, người chơi đi rừng của Funplus Phoenix - Nhà vô địch thế giới 2019 bộ môn Liên Minh Huyền Thoại đồng thời là MVP của giải. Trong hình anh đang sử dụng bàn phím cơ Filco Candy Cherry HAKUA để thi đấu.
REALFORCE
Thêm một thương hiệu lâu đời nữa đến từ Nhật Bản. Nổi bật với loại switch độc nhất mà hãng này sử dụng - Topre, đây là linh hồn cũng như là trái tim của toàn bộ các bàn phím mà hãng này sản xuất. Nhờ loại switch này, tính năng APC (Actuation Point Changer - thay đổi độ nhạy từng phím) được áp dụng trên các bàn phím Realforce giúp tinh chỉnh độ nhạy trên từng phím tùy ý người dùng.
Thú vị hơn đây là thương hiệu của tập đoàn Topre - công ty sản xuất switch Topre danh giá vốn ban đầu được dùng cho các thiết bị công nghiệp nặng, máy bay, du thuyền,...
Hiện tại Realforce đang tài trợ toàn bộ bàn phím cho Green Leaves - Đội tuyển thể thao điện tử của Nhật Bản ở hai bộ môn Overwatch và Fornite. Nhờ vào tính năng APC, các game thủ có thể tùy biến độ nhạy từng phím sao cho hợp lý nhất. Ví dụ như nút WASD thật nhạy và nút Q (Special skill trong Overwatch) ít nhạy nhất để tránh nhấn nhầm chẳng hạn.
Đọc thêm: Cách thiếp lập profile APC của các tuyển thủ Green Leaves eSport (tiếng Nhật).
Bàn phím Realforce tại Việt Nam tuy chỉ bảo hành 12 tháng nhưng hầu như rất ít hư hỏng do thiết kế switch độc đáo với độ bền rất cao.
GLORIOUS
Tuy thành lập năm 2014 và làm chiếc bàn phím cơ đầu tiên năm 2016, Glorious vẫn mang dấu ấn rất riêng trong làm bàn phím cơ với GMMK - bàn phím cơ đầu tiên trên thế giới tích hợp tính năng hot swap cho từng phím.
Là thương hiệu đến từ Mỹ, Glorious không ngừng phát triển các sản phẩm theo đúng nhu cầu của các game thủ cũng như những người đam mê thú chơi gear với các sản phẩm như switch bàn phím cơ, các phụ kiện và đặc biệt là mẫu bàn phím cơ custom Glorious GMMK Pro.
Glorious chính là hãng tiên phong trong việc định hình lại toàn bộ thị trường khi các sản phẩm của hãng luôn có chất lượng vượt trội so với các đối thủ cùng tầm giá.
RAZER
Một số bàn phím cơ cao cấp nhất của Razer đã sử dụng switch quang học - loại switch dùng ánh sáng để nhận tín hiệu thay cho hai lá đồng mạ vàng hứa hẹn cho tốc độ phản hồi nhanh hơn so với đối thủ.
Nhưng nếu bạn thường xuyên sử dụng tính năng gán macro, phần mềm Razer Synapse 3 dành cho các sản phẩm Razer đôi khi gặp lỗi khiến cho bạn phải mở lại hoặc cài lại phần mềm.
Razer tại Việt Nam có chính sách bảo hành 24 tháng nên bạn yên tâm sử dụng. Tuy nhiên nhược điểm lớn nhất chính là sử dụng switch riêng của hãng - Razer nên khi hư hỏng xảy ra lúc hết bảo hành cũng khó mà sửa chữa.
CORSAIR
Quá nổi tiếng trong giới thiết bị dành cho game thủ, Corsair nổi bật với các series bàn phím cơ K70, K95 của mình với thiết kế plate nhôm sang trọng.
Kết hợp cùng phần mềm iCUE, bạn có thể chỉnh sửa các hiệu ứng LED độc đáo giúp cá nhân hóa góc chơi game của bạn.
Nhưng vì mạng điện Việt Nam không mặc định nối đất, sử dụng plate nhôm cũng là một nhược điểm mà bạn cần quan tâm trước khi chọn Corsair.
LOGITECH
Logitech là một đại gia trong làng sản xuất chuột văn phòng và gaming nhưng bàn phím cơ thì sao? Kết hợp cùng Omron - đối tác lâu năm của Logitech để tạo nên loại switch riêng của mình là Romer-G áp dụng trên các bàn phím cơ Logitech hiện tại.
Khi đến với Logitech, bạn cần cân nhắc về switch do họ sử dụng switch riêng nên rất khó sửa chữa khi hết bảo hành. Thêm nữa nếu bạn thích thay đổi keycap thì chia buồn, switch Romer-G sử dụng chân keycap riêng nên bạn không thể tìm được keycap thay thế trên thị trường kể cả keycap artisan.
Trên đây là một số gợi ý giúp bạn chọn một chiếc bàn phím cơ sao cho ưng ý nhất. Chúc các bạn có thể dễ dàng chọn được một chiếc bàn phím cơ thật ưng ý nhé.
Viết nhận xét
Trang web này được bảo vệ bằng hCaptcha. Ngoài ra, cũng áp dụng Chính sách quyền riêng tư và Điều khoản dịch vụ của hCaptcha.