HDR - một cụm từ mà có lẽ ai ai trong chúng ta cũng đã một lần nghe qua hoặc bắt gặp đâu đó trên chiếc Tivi, điện thoại, Laptop, PC và thậm chí là ngay cả trong Game. HDR là viết tắt cho cụm từ “High Dynamic Range” có thể hiểu đơn giản đó là khả năng mở rộng hơn nữa các điểm dừng ở vùng tối và vùng sáng của hình ảnh giúp tăng thêm độ tương phản và màu sắc, tránh hiện tượng các phần trắng bị mờ, mất chi tiết hay nói dễ hiểu hơn thì khi có HDR vào, những vùng tối và sáng sẽ được hiển thị rõ nét hơn so với không có HDR.
Màu sắc và độ tương phản
Trụ cột của HDR đó là màu sắc và tương phản. Nhằm theo đuổi mục đích “tái hiện chính xác nhất những gì có thể thu lại từ đời thực” cho chúng ta xem bằng mắt thường, HDR sẽ thúc đẩy hai yếu tố đó lên giới hạn cao nhất, vượt xa so với tiêu chuẩn cũ. Lợi ích đem lại là chất lượng hình ảnh so với trước đây tốt hơn rất nhiều, và bạn sẽ thấy hình ảnh qua TV hay Monitor gần giống với các màn hình trong ngành công nghiệp điện ảnh. Tức là tái hiện chính xác như ý đồ ban đầu của nhà làm phim, làm Game mong muốn.
Nhưng bạn cần phải hiểu rằng HDR tạo ra chất lượng hình ảnh sống động hơn chứ không phải nét hơn. Nếu màn hình quá to nhưng độ phân giải thấp, đồng nghĩa với việc mật độ điểm ảnh thấp, thì HDR hoàn toàn không có tác dụng.
Nhưng ở tầm một màn hình 24 inch full HD trở lên, hoặc những màn hình 2K, 4K thì bạn nên quan tâm hơn tới chất lượng hình ảnh (độ sáng, tương phản, mức độ "rực" của màu sắc,...) hơn là độ nét của ảnh. Đó cũng chính là những gì HDR được tạo ra để phục vụ người tiêu dùng.
HDR trong Game
Với việc có thêm tùy chỉnh HDR trong Game thay vì những mảng màu nhợt nhạt thiếu sức sống, thì chúng ta sẽ có thể trải nghiệm thế giới ảo ấn tượng và sống động hơn nhiều, từ đó cũng lôi cuốn và đã mắt hơn.
Thế nhưng có một vấn đề vẫn còn tồn tại, đó là không phải nhà phát triển game nào cũng ứng dụng HDR. Hiện tại, chỉ có một số ít những game PC sử dụng công nghệ HDR đúng nghĩa thay vì chỉ mô phỏng và "đẩy gam màu" lên để cho giống HDR, đa phần các Game hỗ trợ HDR hiện nay đều đến từ Playstation của Sony và một số game PC có hỗ trợ chuẩn AMD FreeSync 2, Nvidia G-Sync Ultimate dùng chung với màn hình và card đồ họa hỗ trợ chuẩn công nghệ hình ảnh tương ứng.
Điểm hạn chế nhất của nó là dù đây là tính năng được tích hợp trong Game nhưng để có thể trải nghiệm được HDR bạn sẽ bắt buộc cần đến một chiếc Monitor hay TV hỗ được tích hợp bộ xử lí công nghệ HDR đến từ các nhà sản xuất thiết bị trình chiếu cũng như những chiếc card đồ họa hỗ trợ công nghệ tương ứng đến từ AMD, Nvidia.
Viết nhận xét
Trang web này được bảo vệ bằng hCaptcha. Ngoài ra, cũng áp dụng Chính sách quyền riêng tư và Điều khoản dịch vụ của hCaptcha.